IPAM
Tiếng Việt English

GS.TS Nguyễn Văn Khánh: Xây dựng IPAM trở thành đơn vị nghiên cứu xuất sắc hàng đầu về khoa học chính sách tại Việt Nam

Năm 2002, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) và Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) chính thức ký thỏa thuận hợp tác và triển khai dự án nghiên cứu đầu tiên về chính sách. Sau 15 năm, từ kết quả của một chương trình nghiên cứu đã hình thành nên Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) năm 2007 và Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) - mô hình viện nghiên cứu đầu tiên trong Trường ĐHKHXH&NV năm 2013. Nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ hợp tác giữa Rosa Luxemburg và Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Viện trưởng IPAM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã chia sẻ về chặng đường hợp tác thành công vừa qua và những kỳ vọng về tương lai của IPAM.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV

- Thưa GS, IPAM đã có chặng đường phát triển như thế nào để có được vị trí như ngày hôm nay ?

Năm 2002, Trường ĐHKHXH&NV là đối tác đầu tiên của Quỹ Rosa Luxemburg tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, Chương trình nghiên cứu Xã hội học về môi trường và phát triển do PGS.TS Vũ Cao Đàm làm chủ nhiệm được giao trực tiếp triển khai hoạt động hợp tác này. Dự án nghiên cứu chung đầu tiên giữa hai bên là về lĩnh vực chính sách. Các chuyên gia Đức và Việt Nam đặt mục tiêu ban đầu là làm các dự án giúp nâng cao năng lực phân tích chính sách trong cộng đồng, trước hết là trong các cơ quan lập pháp và các cơ quan hành pháp của Việt Nam. Đây là một lĩnh vực khoa học không mới trên thế giới song còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thực tiễn cũng cho thấy những người làm chính sách ở các cơ quan trung ương và địa phương ở Việt Nam đa phần đều là “tay ngang”, không được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Đây là một khoảng trống khá lớn trong công tác làm chính sách mà các chuyên gia Đức và Việt Nam đã nhìn ra.

Sự gặp nhau giữa các chuyên gia Đức và chuyên gia của Trường ĐHKHXH&NV đã đem đến những hoạt động chung thú vị và hữu ích cho cả hai bên. Viện Rosa Luxemburg đã tạo điều kiện để trong những năm đầu các đoàn chuyên gia và lãnh đạo của Việt Nam được đến nước Đức học tập, nghiên cứu kinh nghiệm về kỹ năng phân tích chính sách, nhất là của đảng cách tả của Cộng hòa Liên bang Đức. Những cuộc đối thoại chính sách, tọa đàm và hội thảo về chính sách được tổ chức xoay quanh các chủ đề về: các giá trị của chủ nghĩa xã hội dân chủ, tương tác giữa chính sách và văn hóa, lý luận Cánh Tả trong đời sống xã hội hiện đại đến những vấn đề rất cụ thể trong chính sách khoa học và giáo dục trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang nền kinh tế thị trường...

Có thể nói, chính sự nhiệt tâm của các bạn Đức và sự tâm huyết của các nhà khoa học Việt Nam đã giúp hình thành nên những tài liệu, sách tham khảo, giáo trình và hệ thống lý thuyết về khoa học chính sách tại Trường ĐHKHXH&NV. Hoạt động đào tạo trong lĩnh vực khoa học chính sách và quản lý cũng được IPAM phát triển mạnh. IPAM trở thành mô hình viện nghiên cứu chính sách đầu tiên trong một trường đại học. Giờ đây nhắc đến lĩnh vực nghiên cứu chính sách và quản lý là người ta nhớ tới IPAM mà tiền thân là CEPSTA như một đơn vị nghiên cứu tiên phong và có uy tín của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ở Việt Nam.

Cũng phải chia sẻ thêm rằng, hoạt động hợp tác giữa một trường đại học Việt Nam với một quỹ quốc tế như Rosa Luxemburg kéo dài đến nay là 15 năm - là một mối quan hệ hợp tác bền vững và dài lâu, thậm chí là hiếm có. Thông thường vòng đời của một hoạt động hợp tác như vậy thường chỉ từ 3-5 năm. Nhưng với IPAM, hoạt động hợp tác này bắt đầu từ một hướng nghiên cứu cụ thể trong khoa học chính sách, giờ đã ngày càng mở rộng ra thêm nhiều hướng nghiên cứu mới và đi vào chiều sâu. Chúng tôi vẫn còn đang có nhiều ý tưởng nghiên cứu mới và các dự án hợp tác chung cùng nhau trong hiện tại và tương lai. Chính vì thế có thể nói rằng hợp tác với Rosa Luxemburg là một quan hệ hợp tác đặc biệt, lâu dài, truyền thống và thực sự rất hiệu quả, đem lại nhiều giá trị cho cả hai bên.

Một lớp tập huấn về kỹ năng phân tích chính sách mà IPAM tổ chức tại địa phương

Hình ảnh một lớp tập huấn cho giảng viên do IPAM và Rosa Luxemburg tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài tại Trường ĐHKHXH&NV.

- Đâu là những dấu ấn nổi bật nhất của IPAM trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo chính sách và quản lý thưa GS ?

Dù tuổi đời non trẻ song kế thừa nền tảng hợp tác 15 năm với Rosa Luxemburg, IPAM đã làm được rất nhiều việc.

Trong lĩnh vực đào tạo, IPAM đã tổ chức hơn 40 khóa tập huấn cho các cán bộ làm về chính sách trên khắp các tỉnh thành địa phương cả nước, từ trong Nam ra ngoài Bắc, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở cả các tỉnh phía Nam như Bạc Liêu, Cần Thơ... Nội dung các khóa này được đa dạng hóa, từ kỹ năng phân tích chính sách, hoạch định chính sách, đánh giá chính sách, phản biện chính sách, đến kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng phân tích các văn bản quy phạm pháp luật... Các khóa học này được thiết kế gắn với thực tế đối thoại chính sách tại các địa phương và được đón nhận rất nồng nhiệt do hiệu quả thực tế mà nó mang lại cho địa phương.

Đặc biệt, từ 2009-2012, IPAM được Văn phòng Quốc hội đặt hàng mở các lớp tập huấn chính sách cho các chuyên viên thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, IPAM cũng đảm nhận việc cung cấp tài liệu về kỹ năng phân tích chính sách cho các đại biểu Quốc hội khóa 13 và 14. Đây là một trong những thành tích nổi bật nhất của IPAM nhằm trực tiếp đóng góp vào thực tiễn hoạt động hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Cùng với Khoa Khoa học Quản lý của Trường, IPAM góp phần xây dựng nội dung các chương trình đào tạo dài hạn về Chính sách trong chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ, bậc Thạc sỹ chuyên ngành Chính sách Công. Đây đều là những chương trình đào tạo tiên phong tại Việt Nam mà IPAM tham gia xây dựng và sẽ tham gia triển khai đào tạo.

Về nghiên cứu, IPAM góp phần quan trọng hình thành nên một trường phái nghiên cứu về khoa học chính sách tại Trường ĐHKHXH&NV trên nền tảng hệ thống giáo trình, tài liệu nghiên cứu về khoa học chính sách và các lĩnh vực chính sách cụ thể như chính sách khoa học và giáo dục; chính sách khoa học và công nghệ và đổi mới, sáng tạo; chính sách phát triển vùng; lý thuyết quyết định phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo...

Một hướng nghiên cứu có giá trị khác của IPAM và Rosa Lucxembourg là về mô hình phát triển của các quốc gia, vai trò của Nhà nước và sự tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp. Dự án Lựa chọn lý luận Cánh Tả đã mở rộng các cơ hội trao đổi và tiếp cận các lý thuyết phát triển thông qua các tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia của các nước Phi châu và Mỹ La tinh như Algeria, Cuba, Venezuela...

Tiến thêm một bước nữa là các hoạt động học thuật hợp tác giữa hai bên về các vấn đề chính sách khoa học và giáo dục: triết lý phát triển, nghịch lý của khoa học và giáo dục trong xã hội đương đại Việt Nam... Dự án giáo dục đã triển khai các nghiên cứu về nhu cầu đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên... Năm 2017, trong khuôn khổ hợp tác của hai bên, Tọa đàm về “Chính sách Khoa học và Giáo dục…” với sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban trực thuộc Quốc hội, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các vấn đề thảo luận về triết lý và những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm trong lĩnh vực khoa học và giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Một dấu ấn nữa cần được nhắc đến là IPAM đã hình thành nên một nhóm nghiên cứu được ĐHQGHN công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Gần đây nhất, IPAM đã đề xuất và được ĐHQGHN đồng ý đề nghị phát triển thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN - đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay của Trường có sự công nhận đặc biệt như vậy.

Lễ ký thoả thuận hợp tác và trao tặng sách cho Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội

IPAM và Trường ĐHKHXH&NV trao tặng sách về phân tích và hoạch định chính sách cho Thư viện Quốc hội

- IPAM định vị mình như thế nào trong tương quan so sánh với các đơn vị nghiên cứu về khoa học chính sách khác tại Việt Nam thưa GS.?

Sự ra đời của IPAM với sự kết hợp giữa phân hệ đào tạo và phân hệ nghiên cứu, là một mô hình Think tank điển hình trong lĩnh vực chính sách và quản lý. Slogan của Viện là “Ý tưởng - Nhận thức - Đổi mới” với mong muốn đi từ ý tưởng mới về nghiên cứu chính sách để dẫn tới sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong lĩnh vực chính sách, cuối cùng nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực trong thực tiễn hoạt động chính sách tại Việt Nam.

IPAM là mô hình viện nghiên cứu trong trường đại học, triển khai song song cả hoạt động nghiên cứu làm nền tảng và từ đó đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, đưa giảng đường đại học đến gần hơn với các cơ quan hoạch định chính sách. IPAM đi sâu vào khoa học chính sách trong tương quan với lĩnh vực khoa học chính trị và đặc biệt tập trung hơn vào các lĩnh vực chính sách trong khoa học và giáo dục. Điều này khác biệt với một số đơn vị nghiên cứu chính sách khác của Bộ Khoa học và Công nghệ hay một số cơ quan khác trong ngành văn hóa. 

Về cơ cấu tổ chức, IPAM hoạt động theo cơ chế tự chủ, biên chế tinh giản gọn nhẹ. Viện không phụ thuộc vào các nguồn đề tài dự án của Nhà nước mà chủ động tìm kiếm các nguồn đề tài, dự án từ bên ngoài. Dù nhân lực không nhiều song nhờ xây dựng được mạng lưới hợp tác rất rộng với các chuyên gia về chính sách ở các đơn vị bên ngoài mà Viện vẫn triển khai, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ khoa học lớn. Từ góc độ mô hình phát triển, IPAM xứng đáng là một mô hình hiệu quả và cần được nhân rộng tại các trường đại học, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học đang trở thành xu thế và yêu cầu tất yếu tại Việt Nam.

IPAM tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế lớn, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, đề cập đến nhiều vấn đề lớn trong hoạch định chính sách và quản lý tại Việt Nam

- Ban lãnh đạo Viện đã đặt những mục tiêu phát triển như thế nào cho IPAM trong tương lai thưa GS. ?

Bản thân sự ra đời của IPAM đã là thành tựu, là sản phẩm đầu ra tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Rosa Luxemburg. Đó là sự kết tinh của những giá trị khoa học và nhân văn; nỗ lực vì mục tiêu phát triển các ngành khoa học của khoa học chính sách; mở rộng diễn đàn trao đổi học thuật quốc tế về chính sách và phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức.

IPAM mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác bền vững với Quỹ Rosa Luxemburg theo hướng mở rộng sự hiểu biết và kỹ năng phân tích chính sách trong các nhóm xã hội khác nhau ở Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, IPAM mong muốn thông qua sự hỗ trợ của các đối tác trong nước và quốc tế, trước hết là Rosa Luxemburg để tiếp tục mở rộng hoạt động truyền bá kiến thức và kỹ năng cho các đối tượng là các cán bộ làm chính sách trong các cơ quan công quyền, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội và các giảng viên trẻ.

Chúng tôi mong muốn xây dựng IPAM thành đơn vị nghiên cứu xuất sắc hàng đầu Việt Nam về chính sách và quản lý. IPAM sẽ đẩy mạnh các công bố quốc tế, các hợp tác ở tầm quốc tế để đem đến tiếng nói của giới khoa học Việt Nam trên các diễn đàn thế giới trong lĩnh vực chính sách. Trong một tầm nhìn dài hạn, chúng tôi kỳ vọng IPAM sẽ phát triển thành một institute/centrer/school hàng đầu về khoa học chính sách, có vị thế và uy tín như trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore...

Một số ấn bản phẩm của IPAM. IPAM đã xây dựng được hệ thống tài liệu, giáo trình, sách tham khảo làm nền tảng cho việc hình thành hướng nghiên cứu về khoa học chính sách và quản lý tại Trường ĐHKHXH&NV

- Nhân dịp kỷ niệm 15 năm hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV mà cụ thể là IPAM với Quỹ Rosa Luxemburg, GS có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình ?

Tôi xin chia sẻ niềm vui và sự biết ơn đến đối tác truyền thống là Quỹ Rosa Luxemburg cùng các nhà khoa học của Cộng hòa Liên bang Đức vì những sự hỗ trợ nhiệt thành, chân tình và hiệu quả cho IPAM và Trường ĐHKHXH&NV trong 15 năm qua. Chính tinh thần khoa học bền bỉ và sự tâm huyết muốn tạo ra những thay đổi giá trị cho thực tiễn hoạt động chính sách tại Việt Nam của các nhà khoa học cả hai bên đã mang lại những thành tựu hết sức to lớn mà sự hiện diện của IPAM là một minh chứng rõ nét nhất.

Tôi cũng chân thành cảm kích những đóng góp của các nhà khoa học đi trước như PGS.TS Vũ Cao Đàm - nhà khoa học đã có công gây dựng những hoạt động đầu tiên của dự án hợp tác và đào tạo nên những cán bộ kế cận xuất sắc, đủ sức tiếp tục và phát triển thành quả của thế hệ đi trước lên một tầm cao mới. Có được những thành công của IPAM còn là nhờ đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và niềm đam mê khoa học, luôn năng động và cống hiến hết sức mình cho những mục tiêu chung của Viện. Ngoài ra, sự chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Nhà trường và sự hợp tác hỗ trợ của các đối tác ngoài trường nhất là các đơn vị thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đã giúp chúng tôi ngày càng phát triển các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của mình, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Xin cảm ơn GS.

Tin và ảnh: Thanh Hà
(Nguồn: www.ussh.vnu.edu.vn)

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 275753 khách hàng bình chọn