IPAM
Tiếng Việt English

Nghiên cứu rà soát đánh giá Quyết định 79 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ

(THO) -  Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi của tỉnh- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
 
Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
 
Sáng 12-8, đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm đánh giá kết quả, tác động và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện hiệu qủa Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 37) ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 đến năm 2020. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
 
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sau 11 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã xác định được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn miền núi phía Tây của tỉnh. Thông qua các chương trình, đề án và cơ chế chính sách, tình hình kinh tế - xã hội vùng miền núi của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 13,6%/năm; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 10,2%/năm; cơ cấu các ngành nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Năm 2015 có 64% gia đình, 62% làng, bản, tổ dân phố và 54% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,45%/năm và năm 2015 giảm còn 15,5%.
 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu; hạ tầng y tế, giáo dục đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; đồng thời tạo điều kiện mở rộng giao lưu phát triển kinh tế giữa miền núi với các vùng lân cận. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm...
 
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã làm rõ hơn một số nội dung đoàn công tác quan tâm như: Nguồn vốn đầu tư của tỉnh vào khu vực miền núi; việc liên kết phát triển kinh tế vùng; mạng lưới bán lẻ hàng hóa, việc thu mua nông sản cho bà con; công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; việc cử tuyển học sinh.
 
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền khẳng định việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị tại Thanh Hóa đã thu được nhiều kết qủa quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi của tỉnh. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là việc tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào khu vực biên giới để họ yên tâm trồng rừng và bảo vệ quốc phòng - an ninh; làm tốt công tác quy hoạch về đất đai để đồng bào có đất sản xuất; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và chính sách hỗ trợ để phát triển giáo dục. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan bố trí cán bộ, chuyên viên làm việc với các thành viên trong đoàn để làm rõ hơn các nội dung theo yêu cầu của đoàn.
    
Tin và ảnh: Duy Sơn
(Nguồn: baothanhhoa.vn) 
   

(TTV) – Ngày 12/8, UBND tỉnh phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả, tác động và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa 10, kết luận số 26 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 trên địa bàn tỉnh. Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV và đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế xã hội ở các huyện miền núi phía Tây có bước  phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của vùng trung du và miền núi phía Bắc; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của miền núi.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, trình độ dân trí và đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhất là các tuyến quốc lộ, đường đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, hạ tầng y tế, giáo dục. Quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế là: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ; các lĩnh vực văn hóa xã hội, nhất là giáo dục và y tế còn khoảng cách xa so với miền xuôi; kết cấu hạ tầng có bước phát triển nhưng vẫn thiếu và chưa đồng bộ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền khẳng định những kết quả to lớn mà tỉnh đã đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 37. Đồng chí cho rằng: để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, Trung ương cần nâng mức hỗ trợ hàng năm giai đoạn 2016 – 2020; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào khuyến khích tổ chức sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân; đề nghị Chính phủ sớm ban hành “chiến lược phát triển kinh tế tuyến biên giới đất liền giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Thay mặt đoàn công tác, Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV đánh giá cao sự triển khai nghiêm túc và những kết quả đạt được trong việc thực hiện Quyết định 79 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng thời trao đổi, làm rõ thêm một số kết quả và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa được đoàn công tác tiếp thu để tổng hợp trong báo cáo chung trình Thủ tướng Chính phủ./. 
 
Đức Đồng - Đức Tình
(Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn)
Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 276285 khách hàng bình chọn