IPAM
Tiếng Việt English

"Cách tiếp cận và phương pháp biên soạn Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: lĩnh vực Hành chính”

Ngày 15/1 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Cách tiếp cận và phương pháp biên soạn Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: lĩnh vực Hành chính”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động triển khai nhiệm vụ Quốc chí lĩnh vực Hành chính - một trong những nhiệm vụ thành phần thuộc Nhiệm vụ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” mà Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì.

Hội thảo là một sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động chuyên môn của nhiệm vụ với sự tham gia của gần 80 chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Trường Đại học Nội vụ, Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc chí.

TS. Đặng Xuân Hoan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Phó Chủ nhiệm nhiệm vụ Quốc chí lĩnh vực Hành chính phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Phó Chủ nhiệm nhiệm vụ Quốc chí lĩnh vực Hành chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ và vai trò hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia với Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) trong việc thực hiện các mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt này. 

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại hội thảo

Cũng tại phiên khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đã đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu triển khai nhiệm vụ Quốc chí lĩnh vực Hành chính trong việc chủ động, tích cực xây dựng các nội dung nghiên cứu nhằm làm rõ diện mạo nền hành chính ở Việt Nam; các hoạt động, thành tựu tiêu biểu của nền hành chính Việt Nam thế kỷ XXI với cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hiện đại. 

  

PGS.TS Đào Thanh Trường, Chủ nhiệm nhiệm vụ Thành phần “Nghiên cứu và xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Hành chính” trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Thay mặt Ban chủ nhiệm nhiệm vụ, PGS.TS Đào Thanh Trường - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Chủ nhiệm nhiệm vụ thành phần "Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Hành chính" đã trình bày báo cáo đề dẫn cung cấp thông tin, nội dung khái quát nhất về thông tin đề tài. Báo cáo đã nêu ra các vấn đề thảo luận: Cách thức triển khai biên soạn quyển (gồm 4 quyển); Cách thức trình bày nội dung các chương, mục theo quy chuẩn của Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam; Cách tiếp cận và phương pháp biên soạn nội dung mục; Cách tiếp cận và phương pháp biên soạn mục mẫu (viết thử); Những vấn đề hành chính Việt Nam hiện nay thể hiện trong Quốc chí.

  

PGS.TS Hoàng Mai - Học Viện Hành chính Quốc gia trình bày báo cáo tại hội thảo

Hội thảo đã lắng nghe 6 báo cáo trình bày của các báo cáo viên về các vấn đề như: vấn đề hành chính Việt Nam đương đại phục vụ biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực hành chính; Tổng quan về cải cách hành chính ở Việt Nam; Hướng tiếp cận và phương pháp biên soạn mục mẫu (viết thử) Tập Hành chính… Các nội dung báo cáo đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các chuyên gia trong phiên thảo luận. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi nhiều ý kiến, đóng góp cho Ban chủ nhiệm nhiệm vụ về cách tiếp cận và phương pháp biên soạn bộ địa chí Quốc gia Việt Nam lĩnh vực hành chính. 

  

GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV, ĐNQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại phiên thảo luận

Kết thúc hội thảo, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã đề ra những nội dung định hướng cho việc triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới và bày tỏ kỳ vọng vào kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ sẽ đáp ứng mục tiêu đặt ra và sự ủng hộ của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia tham dự hội thảo. Hội thảo đã khẳng định sự phối hợp hiệu quả của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Học viện Hành chính Quốc gia với các đơn vị nghiên cứu về khoa học hành chính, tổ chức hàng đầu của Việt Nam hiện nay trong hợp tác nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án mang tầm quốc gia. 

  • Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Quốc chí). Nhiệm vụ do Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN là chủ nhiệm nhiệm vụ.
  • Mục tiêu của Nhiệm vụ là xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng sách số và bộ sách in Địa chí Quốc gia Việt Nam.
  • Sau hơn một năm triển khai gần 30 nhiệm vụ, ngày 05/11/2019, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ trao Hợp đồng và triển khai 7 nhiệm vụ thành phần thuộc Nhiệm vụ “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” đợt 1.
  • Nhiệm vụ "Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Hành chính" (gọi tắt là Quốc chí lĩnh vực Hành chính) do PGS.TS Đào Thanh Trường - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN làm Chủ nhiệm nhiệm vụ là 1 trong 7 nhiệm vụ thực hiện trong đợt 1 năm 2019.
Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 273032 khách hàng bình chọn