IPAM
Tiếng Việt English

Một tiếp cận về chính sách STI của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

"Perspectives on Vietnam’s Science, Technology and Innovation Policies" (tạm dịch: “Quan điểm về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam”) là tiêu đề của cuốn sách được Springer - một trong những nhà xuất bản uy tín hàng đầu thế giới - lựa chọn xuất bản và công bố dưới dạng bản in trong tháng 1/2020.

PGS.TS. Đào Thanh Trường - Tác giả cuốn sách "Perspectives on Vietnam’s Science, Technology and Innovation Policies" 

Với tư duy hệ thống và lối hành văn khúc chiết, tác giả Đào Thanh Trường đã mang đến cho độc giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, một bức tranh tổng quan về hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam và các quan điểm chính sách liên quan. Đồng thời, tác giả đưa ra những vấn đề đáng suy ngẫm về con đường phát triển một hệ thống STI hoàn chỉnh, thích ứng và hội nhập của Việt Nam trước bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Đây cũng những kết quả nghiên cứu chính của các đề tài cấp nhà nước (đề tài KX06.06/11-15 về “Nghiên cứu, phân tích hệ thống STI/sáng tạo Việt Nam trong xu thế hội nhập KH&CN quốc tế” và đề tài KX01.01/16-20 về “Chính sách quản lý di động xã hội đối với nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”) do tác giả làm chủ nhiệm. 

Cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về STI và nghiên cứu STI trong xu thế hội nhập KH&CN quốc tế. Chương này cung cấp cơ sở lý luận về STI từ nhiều tiếp cận và quan điểm của các nhà nghiên cứu. Trong đó, tác giả đã nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu STI luôn là trọng tâm của quản lý KH&CN tại các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chương 2: Kinh nghiệm về phát triển hệ thống STI của một số quốc gia trên thế giới trong xu thế hội nhập quốc tế về KH&CN. Chương này trình bày những bài học rút ra từ một số quốc gia tiểu biểu như Thụy Điển, CHLB Đức, Hàn Quốc và Singapore về phát triển hệ thống STI, từ đó phân tích các yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển mang tầm vĩ mô này. Từ những phân tích so sánh với các quốc gia, tác giả nêu ra các vấn đề cốt yếu đối với phát triển hệ thống STI và quá trình hoạch định chính sách STI tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương 3: Hệ thống STI ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập KH&CN quốc tế. Chương này phác thảo một bức tranh tổng thể về hiện trạng của hệ thống STI tại Việt Nam và xem xét những thách thức trong hoạt động STI dựa trên các khía cạnh khác nhau về cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực và nguồn tài chính của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sau những nỗ lực tích lũy và phát triển không ngừng, KH&CN Việt Nam vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài để trở thành động lực thực sự cho nền kinh tế.
Chương 4: Phân tích chính sách STI ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập KH&CN quốc tế. Chương này tập trung phân tích các chính sách STI tại Việt Nam bao gồm chính sách về thuế, chính sách thúc đẩy năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, chính sách thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất, chính sách phát triển thị trường công nghệ. Tác giả đã cho thấy rõ sự phát triển liên tục của các chính sách STI của Việt Nam từ năm 1979-2013 và sự phù hợp của hệ thống STI của Việt Nam với xu hướng hội nhập KH&CN quốc tế.
Chương 5: Giải pháp chính sách thúc đẩy hệ thống STI ở Việt Nam hội nhập KH&CN quốc tế. Chương này xem xét các vấn đề, hệ thống và mô hình cơ cấu lại các thành phần trong hệ thống STI, từ đó đưa ra khuyến nghị về các chính sách để đạt được khả năng tương thích với hệ thống STI thế giới, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để hội nhập quốc tế. Chương 6: Kết luận. Nội dung chương cuối tập trung vào việc cung cấp một bản tóm tắt các nội dung chính đã được xây dựng trong năm chương trước của chuyên khảo. Thông qua phân tích cơ sở lý thuyết và thực tiễn, tác giả đã rút ra kết luận về đặc điểm của hệ thống STI tại Việt Nam, xác định các điểm yếu và đề xuất chính sách để tạo thuận lợi cho sự phát triển của STI Việt Nam trong bối cảnh biến đổi của các hệ thống STI trong khu vực và trên thế giới.

Là một trong số ít những ấn phẩm quốc tế đầu tiên mang tính chất tổng quát về hệ thống STI ở Việt Nam, cuốn sách đưa người đọc tiệm cận với những thông tin lý thuyết và thực tiễn giá trị, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác hoạch định chính sách và quản lý trong lĩnh vực này. Từ bình diện này, cuốn sách cũng đồng thời gợi mở ra nhiều thảo luận chuyên sâu về STI trong nước và quốc tế trong bối cảnh toàn cảnh cầu hóa hiện nay. Cuốn sách là một tài liệu không thể thiếu đối với các nhà hoạch định chính sách STI, những nhà nghiên cứu về quản lý KH&CN và những độc giả quan tâm đến hoạt động KH&CN. 

Xin chia sẻ link đến những ai quan tâm đến lĩnh vực Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới:

https://link.springer.com/book/10.1007%2F978-981-15-0571-3?fbclid=IwAR05_Zx3_Q6WKopAvJc2WK2hD90ays0hy41iSnscb3csOrKyAmjlbYMS2q0#about
https://link.springer.com/content/pdf/bfm%3A978-981-15-0571-3%2F1.pdf?fbclid=IwAR1QYYRqJFXqy1m8rqvfStBcFfJtFYok3vkpIbvgAnMNa2khvzBv7cGdiuU

Link bài viết:
http://vjst.vn/vn/tin-tuc/2611/mot-tiep-can-ve-chinh-sach-sti-cua-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.aspx?fbclid=IwAR3KWYrbMfcLtLnnPQ3_T-X8-qGY7loCMjHbA33lt5YGYM3Hk4FEanzMb00

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 275465 khách hàng bình chọn