IPAM
Tiếng Việt English

Viện Chính sách và Quản lý được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN

Ngày 20/12/2018, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức Lễ Công bố quyết định công nhận Trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN, công bố Ban lãnh đạo Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) nhiệm kỳ 2018-2023.

Tham dự buổi lễ:

-  Về phía ĐHQGHN có GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN), PGS.TS Nguyễn Văn Tích (Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN).

-  Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV); GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường), GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý).

-  Về phía khách mời có TS. Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội), ông Trịnh Ngọc Cường (Phó Giám đốc Thư viện Quốc hội), bà Nguyễn Thị Thu Hà (Đại diện Viện Rosa Luxemburg Đông Nam Á), ông Nguyễn Mạnh Tiến (Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nam). 

- Về phía Viện Chính sách và Quản lý có PGS.TS Vũ Cao Đàm (Nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Chủ tịch HĐKHĐT của Viện), PGS.TS Đào Thanh Trường (Viện trưởng, Trưởng khoa Khoa học quản lí, Trường ĐHKHXH&NV). 

Ngoài ra còn có đại diện các cơ quan chính quyền địa phương, các đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên và học viên Viện Chính sách và Quản lý. 

Viện Chính sách và Quản lý có lịch sử gần hai thập kỷ phát triển. Năm 2001, Viện Rosa Luxemburg phối hợp với Trường ĐHKHXH&NV xây dựng "Chương trình nghiên cứu Xã hội học về môi trường và phát triển”. Đến năm 2007, chương trình phát triển và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) theo Quyết định số 775 QĐ/XHNV–TC ngày 16/03/2007 của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV. Năm 2013, Trung tâm được nâng cấp lên thành Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) theo Quyết định 876 QĐ/XHNV-TC ngày 16/4/2013 của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV.

TS. Ngô Thị Kiều Oanh (Phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐHKHXH&NV) công bố các quyết định công nhận tại buổi lễ

Trong 17 năm qua, với khẩu hiệu “Think tank – Perception – Innovation” (Ý tưởng – Nhận thức – Đổi mới), IPAM đã có những bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một giao điểm kết nối mạng lưới chính sách và quản lý tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. 

Về đào tạo, mỗi năm IPAM triển khai 02 khóa tập huấn "Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách" cùng "Kỹ năng thẩm định và đánh giá chính sách" cho các nhà hoạch định cấp cơ sở. Số lượng các khóa tập huấn lên tới hơn 45, trong đó có 03 khóa dành cho cán bộ thuộc các Văn phòng Trung ương. Gần đây nhất, Viện tổ chức thêm các khóa ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cho các đối tượng thuộc diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý; với 10 khóa đào tạo thí điểm năm 2016-2018 tại Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Từ Liêm, Thanh Trì (Hà Nội).

Về học thuật, Viện đã công bố 30 bài báo quốc tế, trong đó có 15 bài có chỉ số ISI/Scopus, cũng như các tài liệu, báo cáo đánh giá nhanh cho các ủy ban thuộc Quốc hội. Hiện IPAM đang chủ trì 3 nhiệm vụ cấp Nhà nước và các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, địa phương. Từ năm 2015, IPAM đảm trách và xuất bản 15 số Chuyên san Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, nhằm tập hợp các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này. Ngoài ra, sự phát triển của mô hình Nhóm nghiên cứu mạnh, Nhóm Taskforce đã giúp Viện tối đa hóa nguồn lực để triển khai các dự án,  đề tài, Nghị định thư ở nhiều cấp trong và ngoài nước. 

   

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, hệ thống trung tâm nghiên cứu trọng điểm là một chiến lược của ĐHQGHN nhằm nâng cao quy mô và chất lượng của các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN). Qua đó nâng cao vị thế của một cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam. Những trung tâm này sẽ không chỉ triển khai mà còn ứng dụng các sản phẩm KHCN vào thực tiễn. Quyết định công nhận Trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN đã minh chứng cho những nỗ lực của IPAM trong hoạt động KHCN. Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh tới việc liên kết, phối hợp giữa IPAM với các đơn vị đào tạo như Khoa Khoa học Quản lý để tư vấn, định hướng chính sách cho việc xây dựng một trường đại học nghiên cứu quốc gia trong tương lai.   
 

   
   

GS.TS Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng, sự phát triển vượt bậc của IPAM là một bất ngờ với toàn thể Nhà trường. Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới các thế hệ lãnh đạo đi trước, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Viện; đồng thời gửi gắm niềm hy vọng vào các thế hệ lãnh đạo tương lai. Sự đồng lòng, nhất trí của tất cả các thành viên sẽ giúp Viện phát triển mạnh mẽ và đột phá hơn nữa trong 5 năm tới.

  

GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt các thế hệ lãnh đạo đi trước, PGS.TS Vũ Cao Đàm bày tỏ sự xúc động khi tới dự buổi lễ. Thầy gửi lời cảm ơn tới sự ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV trong quá khứ và hiện nay; ca ngợi sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo trẻ của Viện. Về phần mình, GS.TS Nguyễn Văn Khánh bày tỏ niềm vui khi Viện trở thành một trong 10 trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN. Thầy cho rằng, nếu sản phẩm khoa học công nghệ của các cơ sở khoa học tự nhiên là các phòng thí nghiệm, các phát minh; sản phẩm của các cơ sở KHXH&NV là các tài liệu và bài báo chuyên khảo, các tư vấn chính sách trong đa dạng lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, sự kiện này là niềm tự hào của Nhà trường nói riêng và KHXH&NV Việt Nam nói chung.

 
 

GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Ban lãnh đạo IPAM nhiệm kỳ 2018-2023, PGS.TS Đào Thanh Trường khẳng định, quyết định công nhận Trung tâm nghiên cứu trọng điểm ĐHQGHN là thành quả của sự cố gắng không ngừng của tập thể cùng đội ngũ cộng tác viên đông đảo, sự mở đường của các thế hệ lãnh đạo đi trước, sự tư vấn/tham vấn đầy tâm huyết của Hội đồng Khoa học và Hội đồng Cố vấn IPAM. Ngoài ra không thể không nhắc tới sự đồng hành, phối hợp lâu năm của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Viện Rosa Luxemburg Đông Nam Á. PGS.TS Đào Thanh Trường cam kết sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã có và không ngừng đổi mới để xây dựng lộ trình bền vững cho Viện trong tương lai..

  

PGS.TS Đào Thanh Trường phát biểu tại buổi lễ

Viện trưởng IPAM cũng công bố chiến lược sắp tới của Viện với 3 trọng điểm đột phá: tăng cường tư vấn, tham vấn chính sách trong các lĩnh vực đời sống xã hội; mở rộng các hướng nghiên cứu liên ngành, liên bộ môn để xây dựng các sản phẩm đặc thù của KHXH&NV; tăng cường công bố quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của một trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.

  

GS. TS Phạm Quang Minh thay mặt Trường ĐHKHXH&NV tặng sách của IPAM cho đại diện Ban Lãnh đạo Thư viện Quốc hội

Cũng tại buổi lễ, đại diện Ban Lãnh đạo Thư viện Quốc hội đã đón nhận cuốn sách Kỹ năng đánh giá chính sách do IPAM biên soạn. Đây là lần trao tặng thứ 5 kể từ năm 2011.

TinVũ Ngà-Trần Minh, Ảnh: Công Minh
Nguồn: 
ussh.vnu.edu.vn

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 276512 khách hàng bình chọn