PGS.TS Nguyễn Văn Kim (giữa) trao quyết định của Nhà trường bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng cho GS.TS Nguyễn Văn Khánh (phải). (Ảnh: Thành Long/USSH)
PGS.TS Vũ Cao Đàm (Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo) phát biểu tại buổi lễ. (ảnh Thành Long/USSH)
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lí) đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới PGS.TS Vũ Cao Đàm, người lãnh đạo tiền nhiệm của CEPSTA đã góp công to lớn cho sự trưởng thành của IPAM hiện nay. GS Viện trưởng cũng cho biết, Viện sẽ luôn coi trọng tính sáng tạo, tính cam kết và linh hoạt trong triển khai các hoạt động với phương châm “Ý tưởng – Nhận thức – Đổi mới”. Với định hướng ấy, Viện có mục tiêu trở thành một “think tank” hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chính sách và quản lí, góp phần tích cực vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập của đất nước.
IPAM sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ cơ bản:
- Đào tạo ngắn hạn và dài hạn, trước hết ở bậc sau đại học về các chương trình hoạch định và đánh giá chính sách về chính sách công, quản lí công và hành chính công.
- Nghiên cứu và triển khai các hoạt động nghiên cứu, tham gia và góp phần xây dựng, sử dụng những giải pháp tiến bộ trong điều chỉnh chính sách và hoạt động quản lí.
- Triển khai dịch vụ khoa học đa dạng, cung cấp và thu nhập thông tin chính sách quản lí; tư vấn, tham vấn theo đặt hàng.
Thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đã phát biểu chúc mừng sự ra mắt của IPAM, khẳng định: Viện ra đời để đáp ứng yêu cầu mở rộng hợp tác phát triển, xây dựng mạng lưới nghiên cứu chính sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc hình thành các “think tank” trong nghiên cứu chính sách tại Việt Nam. Với những gì đã đạt được, Viện sẽ sớm khẳng định được vị thế, trở thành viện hàng đầu, nơi tập trung nguồn lực trong nghiên cứu và đào tạo sau đại học về chính sách và quản lí tiên phong của đất nước. Mặt khác, thành lập IPAM – mô hình viện đầu tiên trong Trường ĐHKHXH&NV – sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Trường triển khai những dự án nghiên cứu mũi nhọn, trọng điểm và thực hiện chức năng đào tạo sau đại học hiệu quả hơn.
PGS.TS Vũ Cao Đàm, GS.TS Nguyễn Văn Khánh và PGS.TS Phạm Quang Minh chủ trì toạ đàm Đánh giá hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực chính sách tại Việt Nam - một số thành tựu và triển vọng. (Ảnh Thành Long/USSH)
Cùng ngày, IPAM tổ chức toạ đàm “Đánh giá hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực chính sách tại Việt Nam – một số thành tựu và triển vọng” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lập pháp, ĐHQGHN… Các đại biểu đã trao đổi và thảo luận nhiều nội dung cụ thể: vai trò của chính sách trong phát triển kinh tế – xã hội; những yêu cầu mới đối với nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực chính sách; một số tiếp cận trong nghiên cứu chính sách; nghiên cứu và đào tạo chính sách xã hội từ góc độ xã hội học; bất cập trong hoạch định chính sách ở Việt Nam; đào tạo về Chính sách công; xây dựng mạng lưới nghiên cứu phân tích chính sách công tại Việt Nam; mô hình phối hợp đào tạo và nghiên cứu giữa Khoa và Viện trong đại học nghiên cứu; về nhu cầu sớm ra đời Tạp chí, là cơ quan ngôn luận của Viện và của giới nghiên cứu chính sách và quản lí ở Việt Nam.
Các ý kiến thảo luận đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thành lập viện nghiên cứu, đào tạo về chính sách, quản lí ở Việt Nam; về mô hình IPAM trực thuộc Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN, một trong số các trung tâm KHXH&NV lớn nhất của cả nước; cũng như nhiều phát biểu mang tính gợi mở, định hướng đầy tâm huyết cho sự phát triển của IPAM trong tương lai…
(nguồn: ussh.edu.vn)