IPAM
Tiếng Việt English

Gia nhập Hiệp định TPP: cơ hội và thách thức

Ngày 20/3/2014, Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức hội thảo quốc tế “Gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và Asean”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học và nhà quản lí Việt Nam đến từ Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN…; các nhà khoa học quốc tế đến từ CHLB Đức, Myanmar, New Zealand…

PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: NA/USSH)
PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc hội thảo.

Hiệp định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) có tên gọi đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand, Singapore phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Mexico năm 2002. Đây là đàm phán thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước thành viên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bắt đầu đàm phán cuối năm 2009 với 5 nước thành viên, cho đến năm 2013 đã có 12 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Với 12 thành viên hiện tại, nếu được kí kết, TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với 800 triệu dân, chiếm tới trên 1/3 thương mại xuất nhập khẩu của thế giới và gần 40% GDP toàn cầu. TPP được kì vọng sẽ là một hiệp định “tiêu chuẩn cao” của thế kỉ 21 với mức độ tự do hoá sâu và các nguyên tắc thương mại cao. Đối với Việt Nam, đàm phán TPP là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất bên cạnh các đàm phán hiện định thương mại tự do khác như: với EU, Hàn Quốc, EFTA, RCEP…

Tại hội thảo, các tham luận đã chia sẻ những phân tích về cơ hội lớn cho Việt Nam khi tham gia TPP, đó là: giúp Việt Nam cân bằng quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc vào một khu vực thị trường nhất định; góp phần hoàn thể thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy minh bạch cơ chế và chính sách quản lí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, những thách thức mà Việt Nam cần quan tâm là: cạnh tranh gay gắt hơn trên cả diện rộng và chiều sâu trong hoạt động thương mại; khả năng tăng sự phân phối lợi ích không đồng đều giữ các khu vực và ngành nghề; sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên TPP; sự chưa tương thích giữa hệ thống pháp luật và nhân lực lao động Việt Nam với các cam kết TPP…

Nhiều nội dung khác cũng được khai thác và làm rõ tại hội thảo như: TPP và thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương; chiến lược ngoại giao kinh tế Việt Nam và Hiệp định TPP; quan hệ Việt Nam – Hoa Kì hướng tới Hiệp định TPP; trung hoà mâu thuẫn về sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia đàm phán TPP; giữa TPP và RCEP – cơ hội và thách thức đối với ASEAN…

nguồn: ussh.edu.vn

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn 
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 308859 khách hàng bình chọn