IPAM
Tiếng Việt English

Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam: Thành tựu và triển vọng”

Hội thảo do Khoa Khoa học Quản lý và Viện Chính sách và Quản lý (Trường ĐHKHXH&NV) phối hợp tổ chức ngày 10/11/2017. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập của Khoa Khoa học Quản lý. Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) là đơn vị tài trợ cho sự kiện khoa học này.

Tới dự hội thảo có TS. Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý), PGS.TS Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý). Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp.

Các tham luận đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam; tổng kết và đánh giá những thành tựu và cả những hạn chế đang đặt ra đối với những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chính sách và quản lý, đặc biệt là trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những thách thức về rút ngắn khoảng cách phát triển thông qua các thành tựu kỹ thuật số.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim đánh giá cao những kết quả mà Khoa Khoa học Quản lý đã làm được trong đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực chính sách và quản lý trong suốt 15 năm qua. Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự biến động về kinh tế, chính trị và văn hóa, tiến trình toàn cầu hóa cũng như các thách thức của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã liên tục đặt ra những nhiệm vụ mới đối với nghiên cứu, đào tạo về chính sách và quản lý. Bối cảnh đó khiến nhu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, hoạch định chính sách có năng lực, trình độ, được đào tạo một cách hệ thống về kiến thức và kĩ năng trong lĩnh vực khoa học chính sách và quản lý ngày càng trở nên bức thiết. Thực tiễn đó càng đòi hỏi cần phát huy hơn nữa vai trò của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu về chính sách và quản lý có uy tín trong nước như Khoa Khoa học Quản lý và Viện Chính sách và Quản lý, thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

PGS. TS Nguyễn Văn Kim phát biểu tại hội thảo

Tại phiên khai mạc, PGS.TS Đào Thanh Trường trình bày báo cáo đề dẫn về “Đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN: Thành tựu và triển vọng”. Báo cáo điểm lại những mốc quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực chính sách và quản lý tại Trường ĐHKHXH&NV, chỉ ra những rào cản và đề cập đến những định hướng phát triển giai đoạn 2017-2020.

Năm 2002, Khoa Khoa học Quản lý được thành lập trên cơ sở kế thừa thực tiễn đào tạo đại học chuyên ngành Quản lý Xã hội từ năm 1995 và đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ từ năm 1999 tại Trường ĐHKHXH&NV. Hiện Khoa đào tạo cử nhân hệ chuẩn và hệ CLC ngành Khoa học Quản lý theo các hướng chuyên ngành chính: Chính sách xã hội, Quản lý Khoa học và Công nghệ, Quản lý Nguồn nhân lực, Quản lý Sở hữu trí tuệ. Khoa cũng đào tạo Thạc sỹ Quản lý KH&CN định hướng nghiên cứu, Thạc sỹ Quản lý KH&CN định hướng ứng dụng, Thạc sỹ Khoa học Quản lý, Thạc sỹ Chính sách công, Tiến sỹ Quản lý Khoa học và Công nghệ.

Khoa tổ chức nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn có uy tín cho các đối tượng như khóa đào tạo Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách, Kỹ năng thẩm định và đánh giá chính sách, Kỹ năng lãnh đạo và quản lý…

Về NCKH, Khoa có 01 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN; công bố 07 bài báo quốc tế, 99 bài báo đăng trên các tạp chí có chỉ số ISSN; triển khai 13 dự án quốc tế; xuất bản 30 sách chuyên khảo, 09 tài liệu dịch, nghiệm thu 14 bài giảng, triển khai 29 đề tài các cấp; tổ chức 40 hội thảo trong nước, 35 hội thảo quốc tế và 60 tọa đàm.

Khoa Khoa học Quản lý có hoạt động hợp tác chặt chẽ với Văn phòng quốc hội trong các hoạt động như: tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho đại biểu Quốc hội, cán bộ làm chính sách tại địa phương; thực hiện các nghiên cứu nhanh về các lĩnh vực chính sách kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin cho các đại biểu quốc hội ; cung cấp thông tin cho Thư viện quốc hội…

Báo cáo cũng đề cập đến những hạn chế: hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đều khắp trong đội ngũ cán bộ, chất lượng và số lượng các công bố khoa học chưa được như kỳ vọng, rào cản về ngoại ngữ trong đội ngũ cán bộ, thiếu tính đặc sắc trong các chương trình đào tạo, hàm lượng khối kiến thức kỹ năng trong CT còn thấp, tính chủ động của sinh viên trong học tập và tìm việc làm chưa cao, sự tham gia của học viên và NCS vào hoạt động ghiên cứu và đào tạo trong khoa chưa rõ nét ; khó khăn trong tuyển sinh do sự cạnh tranh đến từ các đơn vị khác…

Để khắc phục những tồn tại trên, PGS.TS Đào Thanh Trường đề xuất một số giải pháp chính như : phát huy vai trò quan trong của bộ môn chuyên môn như là hạt nhân trong đào tạo và nghiên cứu của Khoa; xây dựng và cập nhật các hướng nghiên cứu gắn với chuyên môn đào tạo của từng bộ môn; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên trẻ về kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ; điều chỉnh khung chương trình theo hướng gắn với doanh nghiệp và tăng cường khối kiến thức về kỹ năng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông; xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ hoạt động NCKH và công bố khoa học của giảng viên; đa dạng hóa các CTĐT, xây dựng CLB khởi nghiệp sáng tạo…

GS. TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiều nội dung cụ thể :

- Lĩnh vực chính sách và quản lý trong hệ thống phân loại khoa học.

- Nhận diện những triết lý trong đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý của Việt Nam các thời kỳ.

- Phân tích và đánh giá những thành tựu, bất cập trong đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam.

- Kinh  nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý ở các quốc gia và bài học cho Việt Nam.

- Thời cơ và thách thức về đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý hiện nay trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Nhận diện những xu hướng đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý hiện nay.

- Liên kết trong đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý tại Việt Nam hiện nay.

- Giải pháp để tận dụng cơ hội và khắc phục khó khăn trong đào tạo và nghiên cứu chính sách và quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tin và ảnh: Thanh Hà
(Nguồn: www.ussh.vnu.edu.vn)

Một số tin bài liên quan: 

- Chương trình Việt Nam Online ngày 10/11/2017: http://media.chinhphu.vn/video/chuong-trinh-viet-nam-online-ngay-10-11-2017-8843

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn 
Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam: Thành tựu và triển vọng” Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam: Thành tựu và triển vọng” By Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu chính sách và quản lý ở Việt Nam: Thành tựu và triển vọng” 5 sao trên 308882 khách hàng bình chọn