Ngày 25/10 vừa qua, Viện Chính sách và Quản lý hợp tác với Viện Rosa Luxemburg tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề: “An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội” tại Hải Phòng. Đây là tọa đàm thứ ba nằm trong khuôn khổ dự án về Chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội do Viện triển khai từ năm 2017 đến nay và được triển khai với sự hỗ trợ của Đại học Hàng hải Việt Nam.
An ninh môi trường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường – hệ lụy của quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc điều chỉnh và tìm kiếm các giải pháp khắc phục là điều vô cùng cần thiết. Tọa đàm về “An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội” là một hoạt động liên kết có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng mạng lưới nghiên cứu, trao đổi tri thức trong và ngoài nước về vấn đề an ninh môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. NGƯT Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhấn mạnh “Việc tổ chức tọa đàm lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần cung cấp các luận cứ hỗ trợ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách về phát triển bền vững, tạo sự cân bằng giữa giá trị kinh tế - sinh thái và xã hội trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.”
Tham gia tọa đàm có đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu hàng đầu về vấn đề an ninh môi trường, và các đại diện lãnh đạo từ phía Bộ Công An. Đặc biệt, tọa đàm được lắng nghe báo cáo đề dẫn của Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Ủy viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an về vấn đề an ninh môi trường trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nội dung của báo cáo đã giúp mở ra các chủ đề thảo luận về an ninh môi trường từ tiếp cận an ninh phi truyền thống, những vấn đề đặt ra với an ninh phi truyền thống trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trình bày báo cáo tại tọa đàm, Thiếu tướng, GS.TS. Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân đã nhấn mạnh an ninh môi trường là một vấn đề an ninh quốc gia cần được sự quan tâm của không chỉ cộng đồng học thuật mà cả các nhà hoạch định chính sách hiện nay.
Tọa đàm đã được lắng nghe 11 báo cáo cùng hơn 20 ý kiến trao đổi, bình luận về các vấn đề an ninh môi trường, giải pháp và chính sách về an ninh môi trường. Là một chuyên gia nghiên cứu về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội, Ông Philip Degenhardt – Giám đốc Viện Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại về sự đánh đổi giữa kinh tế với các giá trị sinh thái và xã hội và nhấn mạnh việc dự báo những hệ lụy của vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh môi trường tại các quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của hai diễn giả nước ngoài, bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình đông Nam Á của tổ chức International Rivers và bà Poppy Sulistyaning Winanti, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị Xã hội, Đại học Gadjah Mada, Indonesia đã được sự quan tâm và đón nhận của các chuyên gia trong nước với những bài học kinh nghiệm về việc khai thác, quản lý nguồn nước tại khu vực sông Mê Kông và vấn đề giảm phụ thuộc kinh tế từ các hoạt động khai khoáng tại Indonesia.
Trong phiên thảo luận cuối của tọa đàm, báo cáo về vấn đề an ninh hàng hải của Thuyền trưởng, TS. Nguyễn Mạnh Cường, Trường khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và báo cáo giải pháp về mô hình sử dụng năng lượng mặt trời chưng cất nước mặn thành nước ngọt của Ths. Huỳnh Cảnh Thanh Lam đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã đưa ra những giải pháp thiết thực, cân bằng giữa yếu tố kinh tế, sinh thái và xã hội.
Kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Đào Thanh Trường, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Giám đốc dự án đã nhấn mạnh quá trình nghiên cứu và tiếp cận với vấn đề nghiên cứu về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội sẽ được tiếp tục mở rộng và phát triển trên nền tảng dự án hợp tác với Viện Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á. Viện Chính sách và Quản lý kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm và ủng hộ của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách trong các hoạt động nghiên cứu về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
Một số tin bài liên quan:
https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?