Ngày 22/12/2016, Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã phối hợp cùng Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế với chủ đề “Chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”.
Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức; ông Phạm Đại Dương – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, Bộ, ban ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và lựa chọn 12 báo cáo trình bày tại 2 phiên làm việc.
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, bên cạnh việc nhấn mạnh những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới và Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim cho biết, “Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nhấn mạnh quan điểm giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực của quá trình phát triển, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”.
Từ ý nghĩa đó, tọa đàm sẽ đi sâu phân tích về một chủ đề rộng lớn là chính sách và vai trò của khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tọa đàm này cũng sẽ là cơ hội cho các nhà quản lý, các học giả trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, lắng nghe và trao đổi các kinh nghiệm về các chủ đề cùng quan tâm.
Các chủ đề chính tại buổi tọa đàm: (1) Nhận diện các triết lý, hệ quan điểm trong chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trước và trong thời kỳ đổi mới; (2) Những thành tựu và hạn chế trong thực thi các chính sách khoa học tại Việt Nam hiện nay; (3) Những thành tựu và hạn chế trong thực thi các chính sách giáo dục tại Việt Nam hiện nay; (4) Những cơ hội và thách thức trong hoạch định và thực thi các chính sách khoa học và giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập; (5) Triết lý và định hướng phát triển khoa học trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (6) Triết lý phát triển giáo dục theo định hướng đổi mới cơ bản và toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (7) Kinh nghiệp quốc tế trong chuyển đổi chính sách khoa học và giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa; (8) Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong quá trình chuyển đổi các chính sách khoa học tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp; (9) Vai trò của khoa học và giáo dục trong thúc đẩy quán trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; (10) Vai trò của khoa học trong đổi mới và thúc đẩy phát triển giáo dục.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe và thảo luận các báo cáo tại 2 phiên làm việc.
PGS.TS Đào Thanh Trường - Chủ nhiệm khoa Khoa học Quản lý, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý
(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) phát biểu tại buổi tọa đàm
|
|