An ninh lương thực luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã và đang đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu, việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở các quốc gia vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức.
Nghiên cứu“Đánh giá chính sách về an ninh lương thực và chủ quyền lương thực – một số hàm ý chính sách cho Việt Nam” là kết quả triển khai của dự án “Hướng tới sự chuyển dịch khung mẫu mới trong phát triển nông nghiệp thông qua tiếp cận Chuyển đổi Sinh thái-Xã hội (SET) trong khoa học và quá trình hoạch định chính sách (Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam)” hợp tác giữa Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á, Văn phòng đại diện Việt Nam và Viện Chính sách và Quản lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2021.
Khung nghiên cứu của cuốn sách là sự kết hợp giữa khung chuyển đổi sinh thái xã hội (Social-ecological transformation) và khung áp lực – thực trạng – đáp ứng(PSR)nhằm thiết kế nghiên cứu đánh giá vấn đề an ninh lương thực và chủ quyền lương thực theo tiếp cận chỉ số hóa. Nghiên cứu đã trả lời một loạt các câu hỏi đặt ra: Việt Nam cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng của các quốc gia?; Vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam có đáng ngại nếu dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp hơn?; Bài học rút ra từ các quốc gia khác trên thế giới là gì? Điều kiện gì để áp dụng các chính sách an ninh lương thực cho Việt Nam trong thời gian tới?
Bên cạnh việc đưa ra các lý thuyết về chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng để hướng tới phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực vì mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và Covid-19, nghiên cứu cònphân tích các chính sách của các quốc gia trên thế giới hiện nay, từ đó đề xuất các hàm ý chính sách cho Việt Nam, nhằm thực hiện đề án Đảm bảo an ninh lương thực đến 2030 mới được ban hành năm 2020.
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan, cơ sở lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Chính sách an ninh lương thực và chủ quyền lương thực của Việt Nam
Chương 3: Đánh giá chính sách an ninh lương thực và chủ quyền lương thực của Việt Nam trên cơ sở mô hình phân tích mạng lưới xã hội và tiếp cận bộ chỉ số
Chương 4: Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực và chủ quyền lương thực của Việt Nam
Cuốn sách xuất bản tại Nhà xuất bản Lao Động trong tháng 12/2021 và được trân trọng giới thiệu đến các độc giả gần xa.