IPAM
Tiếng Việt English

Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) tiếp tục được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN

Với việc tiếp tục được công nhận là Trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 01/2023 vừa qua, Viện Chính sách và Quản lý (The Institute of Policy and Management - IPAM) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã khẳng định được vị thế khoa học với định hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học chính sách và quản lý.


Viện Chính sách và Quản lý được nâng cấp trên cơ sở những thành tựu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) - một trong những trung tâm được xếp hạng thuộc phân nhóm trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo hoạt động hiệu quả trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 
Năm 1991, được sự ủng hộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS.TS Vũ Cao Đàm đã sáng lập “Chương trình Nghiên cứu Xã hội học về chính sách và Khoa học - Công nghệ”. Sau 10 năm hoạt động và phát triển, năm 2001, PGS.TS. Vũ Cao Đàm đã phối hợp với các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Xã hội học về môi trường và quyết định đổi tên Chương trình thành “Chương trình nghiên cứu Xã hội học về môi trường và phát triển”. Đến năm 2007, chương trình đã phát triển và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách, viết tắt là CEPSTA. Năm 2013, Viện Chính sách và Quản lý được thành lập và đến năm 2018, IPAM được công nhận là Trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN. IPAM là kết quả của sự phát triển liên tục, đi lên từ nhóm nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, một think tank trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách và quản lý, với tâm huyết của các nhà khoa học, những người xây nền đắp móng như PGS.TS. Vũ Cao Đàm, GS.NGND. Nguyễn Văn Khánh, PGS.TS. Đào Thanh Trường. Sự ra đời của IPAM với sự kết hợp giữa phân hệ đào tạo và phân hệ nghiên cứu, sẽ là một mô hình Think tank điển hình trong lĩnh vực chính sách và quản lý. Viện nỗ lực trở thành nơi nghiên cứu và đào tạo về chính sách và quản lý trọng điểm quốc gia.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, với nhiều đóng góp trong việc phát triển các hoạt động nghiên cứu về chính sách và quản lý của Việt Nam. Với các thành tựu đạt được, tháng 02/2021, Viện Chính sách và Quản lý được vinh danh nằm trong Top 2020 Social Policy Think Tanks, xếp hạng thứ 108 và thuộc Top 2020 Best New Think Tanks của Chương trình Think Tanks and Civil Societies (TTCSP) - Đại học Pennsylvania - Hoa Kỳ.


Tính quốc tế hóa trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách được IPAM đặc biệt quan tâm và chủ động phát triển: Viện xây dựng hoạt động hợp tác gần 20 năm với Viện Rosa Luxemburg - CHLB Đức, tăng cường các công bố quốc tế đăng trên các tạp chí uy tín, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, tập huấn kỹ năng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Viện đã có nhiều sản phẩm KH&CN (tư vấn chính sách, bản kiến nghị, tài liệu, sách tham khảo,…) có giá trị ứng dụng cao tại các Ban của Đảng, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương, các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước. Viện Chính sách và Quản lý cũng được giao là đầu mối về chuyên môn của Hội đồng tư vấn chính sách của Trường Đại học KHXH&NV (Theo thông báo số 727/TB-KH về ngày 21/3/2019 về kết luận của Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tại Phiên họp thường trực hội đồng tháng 3 năm 2019).
Viện cũng được giao phụ trách Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Chuyên san Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, thu hút nhiều công trình nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách và quản lý của các nhà khoa học, nhà quản lý. Các bài báo đều được truy cập mở trên website và có mã D.O.I để các độc giả quan tâm có thể dễ dàng tra cứu. Tạp chí hướng tới đạt chuẩn ACI (ASEAN Citation Index) có mặt trong toàn bộ cơ sở dữ liệu của khu vực ASEAN.     

Với tầm nhìn trở thành nơi nghiên cứu và đào tạo về chính sách và quản lý trọng điểm, IPAM có nhiều sự khác biệt với các trung tâm nghiên cứu liên quan.
IPAM là mô hình Viện đầu tiên trực thuộc Trường thành viên của ĐHQGHN, (từ Chương trình nghiên cứu - Trung tâm nghiên cứu - Viện), nơi hình thành nhóm Nghiên cứu mạnh về chính sách và quản lý, là trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN và là một think tank trong lĩnh vực chính sách và quản lý của Việt Nam.
 IPAM có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN triển khai các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - tư vấn chính sách và quản lý từ khi thành lập đến nay.
IPAM đã hình thành mạng lưới hợp tác với các địa phương và là địa chỉ uy tín được ĐHQGHN giao triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, tập huấn về kỹ năng về chính sách, quản lý; tư vấn chính sách với các đối tác là địa phương;
IPAM tham gia triển khai các dự án liên ngành với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và từ nhiều lĩnh vực, ngành khoa học khác nhau).


Trong thời gian tới, Viện Chính sách và Quản lý tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm Taskforce trong triển khai đề tài dự án làm nền tảng để mở rộng lĩnh vực hoạt động; tập trung tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho nguồn nhân lực tại chỗ.
- IPAM tiếp tục phát triển mạng lưới nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia trong nước, quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực triển khai các hoạt động, đồng thời thực hiện quá trình chuyển giao tri thức (bao gồm chuyển giao công nghệ) cho nhân lực tại chỗ (thông qua các hoạt động TOT - training for trainers, các network của từng nhóm nghiên cứu,...). Viện cũng tiếp tục đề xuất đấu thầu các nhiệm vụ trọng điểm các cấp về lĩnh vực chính sách và quản lý, đồng thời tiếp cận với các nguồn lực, nguồn đầu tư từ mạng lưới đối tác là các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các địa phương.
- IPAM tiếp tục tăng cường thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan thuộc Quốc hội, các Bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm KH&CN có giá trị, bám sát nhu cầu thực tiễn về chính sách và quản lý hiện nay, thiết thực phục vụ công tác hoạch định, đánh giá chính sách các cấp.
- IPAM cũng tăng cường các định hướng nghiên cứu trọng điểm về Chính sách công, Quản lý công, Chính sách khoa học và công nghệ, Quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới và một số lĩnh vực nghiên cứu liên ngành khác về phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái - xã hội.

Đội ngũ các nhà khoa học của Viện Chính sách và Quản lý - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là những chuyên gia đầu ngành về chính sách và quản lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt là chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới, quản lý KH&CN với nhiều năm kinh nghiệm và là đội ngũ chuyên gia cố vấn, định hướng cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của IPAM. Viện cũng là nơi thu hút các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các tổ chức KH&CN đến làm việc.
Bên cạnh đó, Viện Chính sách và Quản lý cũng xây dựng các quan hệ hợp tác nghiên cứu và đào tạo với trung tâm nghiên cứu, các viện chiến lược và chính sách, các tổ chức đào tạo về chính sách, các doanh nghiệp công nghệ, công viên công nghệ, các trường đại học trong nước như các Viện chiến lược và chính sách các Bộ; Học viện KH&CN& ĐMST, Bộ KH&CN; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…., các hiệp hội (Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội) và một số đối tác khác. Viện cũng  phối hợp với CLB các nhà Khoa học ĐHQGHN tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hợp tác đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương (Hà Giang, Cà Mau, Thái Bình) trong giai đoạn 2022 - 2023.
 
Trong giai đoạn 2017-2022, Viện Chính sách và Quản lý đã triển khai 09 đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước. Hiện nay, IPAM đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: “Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Hành chính" thuộc Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp Quốc gia: “Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”; Đề tài cấp Nhà nước về “Quản trị xã hội đối với những biến đổi trong lối sống của công nhân các khu công nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu các hình thức đào tạo, đào tạo lại cho lao động ngành dệt may và da giày bị ảnh hưởng bởi đổi mới công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” và hàng loạt các nhiệm vụ thường niên được ĐHQGHN giao triển khai.
Cũng trong giai đoạn này, Viện đã ký kết và triển khai khoảng 15 dự án quốc tế về các chủ đề chính sách, phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái xã hội với các đối tác nước ngoài như Viện Rosa Luxemburg CHLB Đức, mạng lưới Summernet…. Viện cũng tham gia vai trò think tank tại Việt Nam trong Dự án “Mekong Thought Leadership and Think Tanks Network (Mekong Think Tanks)” thuộc Chương trình Mekong Australia Partnership - Water, Energy and Climate (MAP-WEC), Bộ Ngoại thương và Thương mại Úc (Department of Foreign Affairs and Trade - DFAT) từ năm 2022 đến nay. Viện đã tổ chức 13 hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế trong khuôn khổ các đề tài dự án hợp tác trên. Viện cũng tham gia tư vấn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển KH&CN cho các địa phương: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau.

Nguồn: 
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/vien-chinh-sach-va-quan-ly-ipam-tiep-tuc-duoc-cong-nhan-la-trung-tam-nghien-cuu-trong-diem-cap-dhqghn-21927.html?fbclid=IwAR1QM7fqPiQKPVuTBbbZ1Xgy-HXqCf5SV61Ttkcwx1cje1f0AqrEfn-_l-E
Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn 
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 98447 khách hàng bình chọn