NGHỊCH LÝ VÀ LỐI THOÁT
1. Tên sách: Nghịch lý và lối thoát.
2. Tác giả: Vũ Cao Đàm.
3. Hình ảnh minh họa:
- NXB Thế giới, Hà Nội, 2016
- 415 trang, khổ 16x24 cm
4. Lời giới thiệu sản phẩm
Nhà giáo Vũ Cao Đàm muốn giao tôi nhiệm vụ viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Tôi vui vẻ nhận lời vì vốn biết anh là một nhà nghiên cứu sắc sảo và có nhiều tư duy mới. Tôi nói trước rằng tôi quá bận nên có thể thơi chậm. Anh bảo không sao, cũng không quá vội. Nhưng khi đọc xong bản thảo tôi bồn chồn muốn quyển sách này cần phải thật sớm đến tay bạn đọc, trước hết là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục và khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, nhà khoa học… Các chính khách cũng rất nên đọc.
Vũ Cao Đàm tập trung nghiên cứu về triết lý giáo dục và khoa học. Gắn hai lĩnh vực này trong một mối tương quan hữu cơ không thể tách rời. Anh coi việc tách rời hai lĩnh vực này trong thể chế, trong tổ chức hoạt động là phi lý. Đó cũng là một triết lý của anh. Anh dành nhiều công sức cho triết lý giáo dục trong mối tương quan đó. Vũ Cao Đàm làm rõ nội hàm của triết lý giáo dục, rồi so sánh các triết lý trong lịch sử, trong hiện tại của thế giới và của Việt Nam. Anh nêu bật những tư tưởng cải cách trong Tuyên ngôn Bologne 1999 và trong báo cáo của Jacques Delors năm 1996. Anh nhấn mạnh với đầy bức xúc rằng một cuộc cách mạng giáo dục thật sự đang diễn ra sôi động trên thế giới như dự báo của Alvin Toffler cách đây nhiều thập niên mà Việt Nam chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Vũ Cao Đàm đã cân nhắc lựa chọn, nêu ra một bộ khung triết lý hợp lý cho nền giáo dục và khoa học nước ta hiện tại và tương lai.
Trong Lời cuối sách tác giả nói rằng anh chỉ “…góp nhặt, chọn lọc và sắp xếp lại…” Nhưng tôi nhận thấy anh có một hệ thống tư duy nhất quán dùng để soi vào thực tiễn giáo dục và khoa học Việt Nam hiện tại, phát hiện ra nhiều điều dị thường, nhiều nghịch lý mà nếu còn đắm chìm trong dòng tư duy cũ sẽ thấy đó chỉ là bình thường, là thuận lý, là hiển nhiên. Những ý kiến của anh cũng không phải quá xa lạ. Ta cũng đã từng gặp ở nơi này nơi khác, từ người này người khác lác đác có những ý kiến tương tự, nhưng chưa thấy ở đâu mang tính hệ thống, thẳng thắn và triệt để như trong tác phẩm này. Tác giả không ngại đụng chạm khi phê phán, không tránh né những khía cạnh nhạy cảm khi đánh giá và kiến nghị.
Trên cơ sở bộ khung triết lý đó, tác giả nêu ra phương án khái quát tái cấu trúc hệ thống giáo dục và khoa học một cách rất cơ bản, rất táo báo.
Chắc chắn quyển sách này sẽ được tiếp nhận với nhiều thái độ rất khác nhau, thậm chí là quyết liệt dù đồng tình hay phản đối. Khá nhiều vấn đề đặt ra ở đây đáng được tiếp tục nghiên cứu.
Đây là một quyển sách rất có ích, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 8 (Khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” và Nghị quyết 6 (Khóa XI) về Khoa học và Công nghệ.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc
GS.TS. Trần Hồng Quân
Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo