IPAM
Tiếng Việt English

Phát triển bền vững vùng Tây Bắc: từ chính sách đến thực tiễn

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC: TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾNTHỰC TIỄN

1. Tên sách: Phát triển bền vững vùng Tây Bắc: từ chính sách đến thực tiễn.
2. Tác giả: GS.TS Nguyễn Văn Khánh.
3. Hình ảnh minh họa:

 

 
 

- NXB Thế giới, Hà Nội, 2016
- 415 trang, khổ 16x24 cm

4. Lời giới thiệu sản phẩm

Trên thế giới, vấn đề phát triển toàn diện và bền vững luôn gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng về kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội. Trong phạm vi quốc gia, để phát triển bền vững, bên cạnh nguyên tắc trên, chính phủ các nước đều rất quan tâm đến những chính sách phát triển vùng, trước hết là các vùng kém phát triển, vùng nông thôn, vùng miền núi và dân tộc thiểu số nhằm tận dụng tiềm năng của mỗi vùng nhanh chóng phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực có trình độ phát triển cao thấp khác nhau.
Ở Việt Nam, Nghị định 04/2008/NĐ-CPvề Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn từ năm 2010 đến 2020 đã chỉ rõ “Thúc đẩy phát triển những vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh hơn những vùng còn khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và các tỉnh miền Trung. Lựa chọn một vài địa phương tiềm năng, đặc biệt là trong các tỉnh duyên hải, để xây dựng những vùng kinh tế mũi nhọn”.
Như vậy, ý thức được tầm quan trọng của phát triển vùng, Việt Nam đã bắt đầu quy hoạch phân vùng từ khá sớm. Hiện nay, Việt Nam đã hình thành 7 vùng kinh tế bao gồm: Vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với bốn khu vực kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là Bắc bộ (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), vùng KTTĐ miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), vùng KTTĐ phía Nam (gồm TP Hồ Chi Minh, Đồng Nai, Bình Dương), vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long ( TP Cần Thơ, An Giang, Cà mau, Kiên Giang).
Trong 7 vùng kinh tế, vùng Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Về mặt phạm vi không gian, vùng Tây Bắc trong phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Đây là địa bàn sinh sống của trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng 63% là đồng bào các dân tộc thiểu số, với tổng diện tích tự nhiên 115.153,4 km2, chiếm khoảng 35 % diện tích cả nước.
Về mặt địa hình, Tây Bắc là vùng núi cao, đất dốc, vùng đầu nguồn của các hệ sông lớn như sông Đà, sông Mã… với tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. Khu vực này với hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu cho khu vực miền Bắc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta và có không gian văn hóa rộng lớn, phong phú với nhiều nét văn hóa rất đặc trưng gắn với các lễ hội truyền thống Với đường biên giới khá dài tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, vùng Tây Bắc có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong việc giữ vững an ninh quốc phòng của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Mặc dù có tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản phong phú nhưng lại khó khai thác, cộng với việc thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và nguồn nhân lực không có trình độ cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thu được rất thấp. Để đổi mới và phát triển, phát triển vùng đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đồng thời là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với vùng Tây Bắc mà còn vì sự phát triển chung của cả nước.
Nhằm tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững vùng Tây bắc, cách đây hơn 11 năm, ngày 01-7-2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Nghị quyết 37 nhận định: xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh lâu dài của đất nước.
Để thực hiện Nghị quyết 37, ngày 15-4-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg Ban hành chương trình hành động của Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 79).Có thể nói, Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ là một bước tiến lớn trong việc huy động sự tham gia, phối hợp hoạt động của các cơ quan cùa Đảng, Nhà nước, Chính phú, Quốc hội, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đã tác động sâu sắc đến các đối tượng thi hành cũng như đối tượng thụ hưởng và tạo nên những chuyển biến đáng kể về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội và mô trường ở vùng Tây Bắc. Đặc biệt, sau hơn mười năm thực hiện, Quyết định 79 đã từng bước đi vào đời sống, khai thác các thế mạnh của vùng về nguồn tài nguyên, thế mạnh đất đai, khí hậu, khoáng sản, thủy điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế, định canh định cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.
Trong quá trình thực hiện Quyết định 79, hàng trăm văn bản của các bộ, ngành, địa phương cũng đã được ban hành và đi vào thực tiễn. Ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị có Kết luận số 26-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khoá IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Cụ thể hoá Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị, ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5497/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
Để đánh giá kết quả triển khai Quyết định số 79 tại các bộ, ban ngành và các tỉnh tại vùng Tây Bắc, tác động của Quyết định đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh tại vùng Tây Bắc, nhất là nhận diện và phân tích  nguyên nhân của các bất cập trong quá trình thực thi Quyết định từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 79 tại vùng Tây Bắc, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân vă, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu rà soát, đánh giá kết quả, tác động và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.Đây là đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
Sau 2 năm thực hiện đề tài, cùng với kết quả nghiên cứu, khảo sát thực địa trong nước và kinh nghiệm nước ngoài, BCN đề tài đã tổ chức các hội thảo khoa học tại Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa… về những mảng chủ đề lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững vùng và của các địa phương thuộc vùng Tây Bắc. Trên cơ sở tập hợp báo cáo khoa học đã được biên soạn/ hoặc trình bày trong các hội thảo trên của đề tài, chúng tôi tiến hành biên tập và xuất bản cuốn sách Phát triển bền vững vùng Tây Bắc: Từ chính sách đến thực tiễn. Nội dung sách được chia làm ba phần : Phần 1. Những vấn đề chung vầ chính sách qui hoạch vùng và phát triển vùng; Phần 2. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở một số địa phương vùng Tây Bắc từ 2005 – 2015; Phần 3. Hiệu quả và tác động về kinh tế - xã hội đối với phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Thông qua cuốn sách này, chúng tôi mong muốn cung cấp cho đọc giả một cái nhìn hệ thống và tổng thể về quá trình cụ thể hóa Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ bằng các văn bản, chỉ thị, kế hoạch hành động của các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương, nhất là những kết qảu, hạn chế và những vấn đề đang đặt ra đối với yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc theo định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Nhân dịp xuất bản cuốn sách, thay mặt BCN đề tài, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới lãnh đạo Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về sự ủng hộ và giúp đỡ hiệu quả đối với các hoạt động của đề tài. Xin cảm ơn các đồng nghiệp, cộng tác viên, nhất là các nhà khoa học ở Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc đã nhiệt tình cộng tác, tham gia viết bài để xây dựng nội dung của cuốn sách này.
Cuối cùng, xin gửi lời cám ơn tới Nhà xuất bản Thế giới đã đồng hành với Viện Chính sách và Quản lý trong nhiều năm qua để đưa những ấn phẩm của Viện và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tới đông đảo độc giả gần xa.        
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và rất mong nhận được sự hưởng ứng và chỉ giáo của quí độc giả - những người hằng quan tâm và yêu quí vùng đất Tây Bắc giàu tiềm năng của đất nước Việt Nam.

Hà Nội, Xuân Bính Thân 2016
Chủ biên
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh
 

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn 
Phát triển bền vững vùng Tây Bắc: từ chính sách đến thực tiễn Phát triển bền vững vùng Tây Bắc: từ chính sách đến thực tiễn By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 517689 khách hàng bình chọn