IPAM
Tiếng Việt English

Triển vọng về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội tại Việt Nam: Từ thực tiễn đến chinh sách

TRIỂN VỌNG VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ, SINH THÁI VÀ XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM: TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHINH SÁCH

1. Tên sách: Triển vọng về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội tại Việt Nam: Từ thực tiễn đến chinh sách
2. Tác giả: Nguyễn Văn Thành - Đào Thanh Trường - Philip Degenhardt
3. Hình ảnh minh họa:
 

- Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020

4. Lời giới thiệu sản phẩm

Tính liên ngành trong khoa học ngày nay đã và đang vượt ra ngoài ranh giới giữa các ngành và tạo ra sự phát triển liên tục của tri ​​thức, trở thành một đặc điểm chính của khoa học và công nghệ hiện đại. Trên thực tế, ngày càng có nhiều nghiên cứu liên ngành cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm giải quyết những thách thức lớn của xã hội trên phạm vi toàn cầu hay ở mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, do hậu quả của việc quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế, cùng với những thay đổi của mô hình phát triển và biến đổi khí hậu, việc điều chỉnh các chiến lược phát triển của các quốc gia trở nên rất cấp thiết. Để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ này, các biện pháp đối phó của các quốc gia cần xem xét hệ giá trị sinh thái - xã hội nhằm đảm bảo tính bền vững của các chiến lược phát triển. Đây cũng là nền tảng hình thành và gia tăng hướng nghiên cứu về chuyển đổi sinh thái xã hội, hay đầy đủ hơn là chuyển đổi kinh tế - sinh thái và xã hội (Social Ecological Economic Tranformation – SEET).

Chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội tập trung vào các khía cạnh, chiều cạnh chuyển đổi còn bị bỏ ngỏ xung quanh các chủ đề phát triển bền vững và tác động của nó. Khái niệm Chuyển đổi (Transformation) được đưa ra trong cuộc thảo luận về “Những chuyển đổi lớn” (Great Transformation) mô tả sự tách rời giữa kinh tế và xã hội do K.Polanyi đề xuất năm 1995. Karl Polanyi đã viết về sự biến đổi lớn đầu tiên "Nền văn minh công nghiệp đã làm nảy sinh những yếu tố của con người". Tại Đức, Hội đồng tư vấn về Thay đổi Toàn cầu của Chính phủ Đức đã kêu gọi cho một “Cam kết xã hội cho một chuyển đổi lớn” (Social contract for a great transformation) trong đó đề cập đến các chiều cạnh xã hội và sinh thái trong chính sách phát triển kinh tế. Từ ý tưởng của K. Polanyi, Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) đã xây dựng và kêu gọi một cuộc chuyển đổi lớn lần thứ hai (Second great transformation) đòi hỏi việc xem xét hệ giá trị xã hội, sinh thái của chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu. Chuyển đổi này đạt được thông qua việc tái cấu trúc xã hội - sinh thái. Quan điểm này ngày càng được các quốc gia Châu Âu, Mỹ Latinh, Châu Á quan tâm, nghiên cứu và áp dụng trong quá trình ra hoạch định và ban hành chính sách.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề sinh thái và xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, đây là thời điểm cấp bách để Việt Nam tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội đương đại. Việc vận dụng cách tiếp cận SEET có thể mang lại giải pháp thay đổi cho phương thức sản xuất và lối sống hiện có ở Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế trên, Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á (RLS SEA) – Văn phòng Hà Nội đã hợp tác triển khai các dự án nghiên cứu đầu tiên về SEET tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay. SEET là một hướng nghiên cứu liên ngành tập trung các mối quan tâm chung về phát triển bền vững và hàm ý chính sách cho việc đảm bảo cân bằng giữa yếu tố kinh tế với sinh thái và xã hội. Mục đích của hướng nghiên cứu liên ngành này là tạo ra tri ​​thức cho phép tiếp cận và đề xuất giải pháp thực tế nhằm đảm bảo khả năng phát triển bền vững. Trọng tâm nghiên cứu về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội không phải là tìm phương thức thay đổi các phương thức sản xuất và lối sống hiện hành, mà xem xét và đánh giá tác động của quá trình này trên nền tảng xã hội và sinh thái hiện tại.

Sau hơn 3 năm triển khai các dự án nghiên cứu về SEET, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và gửi tới quý độc giả cuốn sách này. Đây là ấn phẩm đầu tiên nghiên cứu về SEET tại Việt Nam tập hợp 27 bài viết của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài nước đề cập và phân tích những vấn đề xung quanh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội, từ lý thuyết đến thực tiễn, từ thực tiễn đến chính sách, với 03 phần chính:

Phần 1: tập hợp nghiên cứu về các chiều cạnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội ở Việt Nam và khu vực, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề an ninh môi trường, an ninh phi truyền thống tại Việt Nam hiện nay trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mỗi bài viết thể hiện một góc nhìn, cách tiếp cận mới/khác song cùng hội tụ và góp phần phác họa tổng thế bức tranh về các vấn đề xung quanh SEET tại Việt Nam.

Phần 2: của cuốn sách là các bài viết giới thiệu một số thực tiễn và mô hình chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội ở các địa phương tỉnh thành khu vực của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sinh thái và xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa. Các bài viết trong phần này cũng đã đưa ra cách tiếp cận tổng quan về SEET. Theo đó, “Chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội” được hiểu là sự định hình/thiết lập các hình thức liên kết giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - sinh thái trong chiến lược phát triển của một quốc gia nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình này gắn với việc nhận diện mối liên kết giữa kinh tế, xã hội, sinh thái; xem xét tác động của các hoạt động kinh tế với xã hội - sinh thái hiện nay và giải pháp thực tiễn khắc phục, đảm bảo tính cân bằng, ổn định giữa các thành tố phát triển, hướng tới xã hội tương lai. Các mô hình SEET trong các lĩnh vực như quản lý nông nghiệp, đất đai, quản lý nguồn nước, môi trường canh tác tài nguyên rừng… gắn với vai trò của các bên liên quan (stakeholders) nói riêng và của cộng đồng trong việc phát triển các mô hình này.

Phần 3: là các quan điểm, các kết quả nghiên cứu về triển vọng chính sách và quản lý trong chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội. Nối tiếp những lý thuyết và chiều cạnh của SEET trong thực tế, những đánh giá bước đầu những thách thức trong quá trình thực thi các chính sách nhằm đảm bảo cân bằng kinh tế - sinh thái – xã hội được phát triển thành các hàm ý chính sách về phát triển bền vững.  

Thông qua ấn phẩm này, Viện Chính sách và Quản lý và Quỹ Rosa Luxemburg kỳ vọng tiếp tục lan toả và mở rộng những định hướng nghiên cứu về SEET tại Việt Nam nói riêng, và trở thành nền tảng cho việc hình thành các nhóm nghiên cứu, think tank, các diễn đàn khoa học liên ngành mang tầm khu vực về vấn đề SEET trong thời gian tới.

Với ý nghĩa và tinh thần trách nhiệm cao, xin trân trọng giới thiệu công trình nghiên cứu “Triển vọng về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội tại Việt Nam: Từ thực tiễn đến chinh sách” tới các chuyên gia, học giả, nhà quản lý, các thầy, cô giáo cùng độc giả gần xa.
 

Tin khác
Partners
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Rosa Luxemburg Stiftung in Vietnam
  • Đại học Lund, Thụy Điển
  • IDRC
Thành viên
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ
Địa chỉ: Tầng 2 nhà D Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 435587547. Fax: (+84) 435587547
Email: ipam@ussh.edu.vn | ipam@ipam.edu.vn
Viện chính sách và Quản lý Viện chính sách và Quản lý By Viện chính sách và Quản lý 5 sao trên 499353 khách hàng bình chọn